Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Trải nghiệm nhà thông minh của BKAV

Mục tiêu của việc tích hợp công nghệ vào các vật dụng trong nhà là để dễ dàng điều khiển, kết nối thông qua mạng internet, tự động làm những công việc đã được lập trình sẵn... Viễn cảnh "Internet of Things" ấy đang trở thành hiện thực nhờ hệ thống nhà thông minh SmartHome của Tập đoàn công nghệ Bkav.
Sau thời gian tìm hiểu, tôi biết giống như các giải pháp ngôi nhà thông minh trên thế giới thì về cơ bản Bkav sản xuất tất cả các thiết bị điều khiển, thiết bị truyền dẫn, các cảm biến và phần mềm, còn lại các thiết bị vệ tinh như rèm cửa, điều hòa, đèn trần, camera… được sử dụng của bên thứ 3 và kết hợp lại để tạo thành một giải pháp hoàn chỉnh.


Sau đây là những nhìn nhận, đánh giá cơ bản ngôi nhà thông minh của BKAV:

1. Thiết bị điều khiển: 

ngoài phần mềm trên điện thoại/máy tính bảng còn có hệ thống bảng điều khiển chi tiết từ ngoài cửa đến trong nhà. Đó là các thiết bị kiểm soát vào ra Access Control System (ACS), bảng điều khiển trung tâm 6 kênh (SH-CC6) và bảng điều khiển 4 kênh riêng biệt.

Bộ kiểm soát vào ra ACS gồm thiết bị ACS-Out lắp đặt bên ngoài và ASC-In lắp đặt bên trong. Bộ thiết bị điều khiển này trông rất tinh xảo và cao cấp, với bề mặt cảm ứng được bảo vệ bằng kính cường lực Gorilla Glass và bộ khung làm từ nhôm nguyên khối. Thực tế, không chỉ bộ kiểm soát vào ra ACS mà tất cả các bảng điều khiển của SmartHome đều sử dụng kính cường lực Gorilla Glass và khung nhôm nguyên khối, cho cảm giác nhà sản xuất rất chú trọng tới chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm.

Thiết kế mặt trước phẳng, nhẵn với các cạnh được mài vát khiến ACS-Out như được gắn chặt vào tường khi nhìn từ xa. Sự sang trọng, hiện đại là điều mà ACS-Out gây ấn tượng với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Với ACS-Out bạn có thể mở cửa bằng 3 cách: nhập mật mã, quét vân tay hoặc dùng thẻ RFID. Dù tôi thực hiện việc mở khóa bằng cách nào thì hệ thống cũng sẽ thông báo 2 tiếng "bíp" ngắn nếu thành công và 1 tiếng "bíp" dài nếu thất bại.

Kết nối trực tiếp với thiết bị ACS-Out là bảng điều khiển ACS-In đặt ở bên trong căn phòng thông minh. Bảng điều khiển ACS-In (kích thước 215 x 159 x 80 mm) có thiết kế tương tự như thiết bị đặt bên ngoài. Tuy nhiên chiếm phần lớn diện tích của bảng điều khiển này là màn hình hiển thị, giống như một máy tính bảng. Từ màn hình này thì bạn có thể dễ dàng quản lý các thông tin quan trọng của hệ thống như: hình ảnh camera bên ngoài, thời tiết, cảnh báo an ninh, nhắc nhở... Các thông tin này được hiển thị rất chi tiết và rõ nét trên màn hình cảm ứng.

Bốn nút điều khiển bằng cảm ứng của ACS-In không được gắn cứng một chức năng cố định mà có thể thay đổi linh hoạt theo từng ngữ cảnh.

Trong phòng kháchcos bảng điều khiển 6 kênh SH–CC6. Đây là thiết bị có thể điều khiển gần như toàn bộ căn nhà: từ hệ thống đèn, điều hòa cho tới hệ thống rèm cửa. Thiết bị điều khiển này có kích thước 180 x 120 x 8,6 mm và nặng 290g, giống với một chiếc máy tính bảng 7 inch gắn trên tường. Nằm ở phần trung tâm SH CC6 là màn hình đơn sắc hiển thị các thông tin về chế độ hiện hành, bao gồm cả nhiệt độ ngoài trời và trong phòng. Phía dưới màn hình là các nút cảm ứng điều khiển điều hòa, dưới cùng là bốn nút kịch bản Đi ngủ, Tiếp Khách, Xem phim, Cơ bản… Các nút điều khiển ánh sáng, đèn trần, đèn chùm, điều hòa, rèm cửa... được bố trí chạy dọc xung quanh, khoảng cách đủ rộng để tôi không bấm nhầm các phím chức năng.

Mỗi căn phòng trong hệ thống nhà thông minh SmartHome đều được trang bị một bảng điều khiển rèm cửa và ánh sáng, ở đây là bảng điều khiển 4 kênh SH-CTZ4. SH-CTZ4 giống như phiên bản rút gọn của SH CC6 với 4 nút bấm cảm ứng. Và với kích thước 97 x 93 x 8,6 mm, nặng 120g, SH-CTZ4 nặng tương đương trọng lượng của một chiếc smartphone hiện nay. Bốn nút cảm ứng trên SH CTZ4 có thể cấu hình để điều khiển bật/ tắt cho bốn thiết bị riêng biệt, hoặc có thể sử dụng như hai nút tăng/ giảm ánh sáng, kéo/ mở theo từng mức độ của rèm. Nhà sản xuất đã rất cẩn thận khi đặt dưới mỗi nút bấm cảm ứng một đèn chỉ thị trạng thái nhỏ, đèn chỉ thị này sẽ sáng tương ứng với trạng thái bật của thiết bị điện.

2. Bộ kết nối trung tâm và Thiết bị truyền dẫn

Hệ thống điều khiển muốn ra lệnh cho các đồ gia dụng thì cần phải thông qua thiết bị truyền dẫn và Bộ kết nối trung tâm. Với SmartHome, đó là Bộ kết nối trung tâm (Central Connector), Thiết bị kết nối mở rộng mạng không dây ZigBee và thiết bị an ninh trung tâm (Central Security Device).

Góc căn phòng là nơi đặt các thiết bị truyền dẫn. Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách mảng phần cứng và SmartHome của Bkav đưa cho tôi một thiết bị nhìn giống modem "hai râu" và nói rằng đây là bộ kết nối trung tâm SH – BZ. SH - BZ (kích thước 127 x 127 x 30mm) có chức năng là cầu nối mạng thiết bị ZigBee với server của hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome. Trong bán kính 8m, các thông tin trạng thái của thiết bị đầu cuối cũng được truyền về thiết bị SH - BZ và sau đó được chuyển đến server SmartHome. Đèn báo (logo SmartHome) sẽ nhấp nháy khi kết nối thành công với server hệ thống SmartHome. Lúc này thiết bị đã sẵn sàng để khởi tạo mạng và giao tiếp với hệ thống. Toàn bộ hệ thống Bkav SmartHome sử dụng công nghệ không dây ZigBee, đây là giao thức không dây công suất thấp dùng cho các thiết bị gia dụng, đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe khi sử dụng trong nhà.

Tại góc khuất trong phòng khách, nơi thường đặt ổ cắm điện, tôi để ý thấy một vật lạ có hình vuông màu trắng sứ. Đây là thiết bị truyền dẫn an ninh trung tâm SH-SCZ. Cầm trên tay, tôi thấy thiết bị này được thiết kế khá đơn giản với kích thước 100 x 103 x 37mm rất nhỏ gọn. Chính thiết kế đơn giản này đã khiến tôi không thể mường tượng được SH-SCZ có thể kiêm nhiệm được khối lượng công việc khổng lồ: thu thập tín hiệu từ các cảm biến an ninh như hàng rào điện tử, cảm biến vị trí, cảm biến kính vỡ, cảm biến báo khói… SH-SCZ hỗ trợ 4 kênh an ninh gồm Zone 1, Zone 2, Zone 3, Zone 4. Mỗi kênh tương ứng với một vùng quét của camera, như vậy một SH-SCZ sẽ chịu tránh nhiệm quản lý 4 camera giám sát. Khi có tín hiệu báo động từ các cảm biến, thiết bị SH-SCZ sẽ bật còi và báo động, đồng thời gửi tín hiệu thông báo về hệ thống server SmartHome.

3. Các cảm biến

Khi tham quan các căn phòng của SmartHome, tôi đặc biệt chú ý đến một thiết bị hình tròn luôn nhấp nháy đèn được gắn trên trần nhà. Đây chính là cảm biến bật đèn tự động SH-DZ. Gọi là tự động vì SH-DZ sẽ bật đèn khi có người trong khu vực cảm ứng (khoảng 20m2) và tự động tắt đèn khi không có người đi lại, hoạt động trong khu vực cảm ứng. Ông Thắng cho biết đây là một trong những thiết bị "xưa" nhất của Bkav SmartHome khi phiên bản đầu tiên được chế tạo cách đây 10 năm, có thể coi là thiết bị đầu tiên tạo cảm hứng để Bkav phát triển toàn bộ hệ thống SmartHome sau này.


Chính phần có đèn nháy đỏ trên SH-DZ (cảm biến ánh sáng) sẽ nhận biết trời tối để tự động bật đèn, đem lại tiện nghi cho những người sống trong nhà. Khi sử dụng trong hệ thống nhà thông minh, SH-DZ (kích thước 90 x 90 x 38mm) có thể kết nối với hệ thống thông qua mạng không dây ZigBee, được điều khiển thông qua giao diện SmartHome cài đặt trên máy tính bảng hoặc các thiết bị di động khác.

Đi tới cuối phòng làm việc, tôi phát hiện ra một thiết bị khá kỳ lạ: chiếc SH-SSZ màu trắng sứ với cảm biến gắn ở trung tâm và phần nắp tròn được thiết kế đặc biệt.



Kết luận

Sau một khoảng thời gian trải nghiệm, tôi nhận thấy sản phẩm SmartHome rất chú trọng đến các chi tiết, luôn hướng tới yếu tố thẩm mỹ và cao cấp trong thiết kế cũng như chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu không được giới thiệu là một sản phẩm "Made in Vietnam" thì khách hàng sẽ dễ lầm tưởng đây là các sản phẩm tầm cỡ mang thương hiệu nước ngoài. Và khi nhìn từ thiết kế trau chuốt, tính năng hiện đại, tôi có thể hình dung được các thiết bị cao cấp này sẽ khiến cuộc sống trở nên tiện nghi như thế nào khi sử dụng trong thực tế. Sẽ không quá khi nói slogan "Tiêu chuẩn nhà hiện đại" chính là điều mà SmartHome mang lại cho người sử dụng.

Dù vậy, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì SmartHome cũng tồn tại một số khiếm khuyết cần được khắc phục: thêm màn hình hiển thị cho ACS-Out, các nút bấm dễ bị nhầm lẫn trên SH CC6… Tuy nhiên, như đã đề cập, bài viết Trên tay này mới chỉ là những cảm nhận sơ bộ nên chưa hoàn toàn phản ánh chi tiết về giải pháp nhà thông minh SmartHome của Bkav. Các đánh giá chi tiết hơn, về tính năng, cách sử dụng, thiết lập cơ bản... và đặc biệt là khả năng tự học thông minh thói quen người sử dụng và nhận lệnh bằng giọng nói sẽ tiếp tục được gửi tới bạn đọc trong thời gian tới sau khi tôi có thời gian trải nghiệm đầy đủ hơn.

Nguồn: vnreview

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét